Tăng cường phát huy hiệu quả mô hình hợp tác giữa Trường – Viện

Trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Cơ học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo Hợp tác Trường Đại học - Viện nghiên cứu trong Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học vào ngày 24/12/2013.
Tăng cường phát huy hiệu quả mô hình hợp tác giữa Trường – Viện

Tham dự chương trình gồm có ban lãnh đạo của trường và viện như sau: Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thế Bình - Phó trưởng ban KHCN, TS. Nguyễn Nam Hoàng – Phó Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có GS.TS Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Viện, PGS.TS Ninh Khắc Bản - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đông Anh – Viện trưởng Viện Cơ học. Cùng tham dự còn có GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình – Hiệu trưởng cùng các cán bộ đại diện phòng ban, khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa.


Thay mặt Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình đã trình bày báo cáo về kết quả hợp tác trường đại học – viện nghiên cứu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo PGS Nguyễn Ngọc Bình, Trường có sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn trên nền tảng khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ khi mới thành lập, mục tiêu đặt ra cho Nhà trường đã được định hướng xây dựng và phát triển thành một Trường ĐH nghiên cứu hàng đầu trong hệ thống giáo dục nước nhà. Như vậy, việc kết hợp ở trình độ cao với các viện nghiên cứu, đặc biệt là các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đối với Nhà trường như một nhu cầu tất yếu.


Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ đã báo cáo về mô hình hợp tác trong gần 10 năm qua từ chỗ việc hợp tác chỉ dừng lại ở việc Viện Cơ học cử cán bộ tham gia giảng dạy tại Trường và sinh viên của Trường được thực tập tại phòng thí nghiệm của Viện Cơ học; giai đoạn 2005-2009 cụ thể hóa bằng mô hình “đơn vị phối thuộc” (khoa phối thuộc, các phòng thí nghiệm phối thuộc); giai đoạn 2010 đến nay, mô hình hợp tác 2 + “x”. Với mô hình “đơn vị phối thuộc”, Trường ĐH Công nghệ không chỉ huy động được nguồn lực khoa học công nghệ cho các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu mà còn giúp Trường khai thác hiệu quả lực lượng cán bộ khoa học trình độ cao và tần suất sử dụng, hiệu quả của các điều kiện mặt bằng – cơ sở vật chất từ các viện.


Trong quá trình thảo luận, các kiến nghị còn nêu các chế độ chính sách đối với giảng viên và các hoạt động Khoa học và Công nghệ, trong đó đặc biệt là cơ chế đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động của mô hình (kinh phí thường xuyên, dự án đầu tư)…


Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học và cán bộ nói về cơ sở vật chất cơ sở 2, các chính sách và chế độ cho giảng viên kiêm nhiệm được đề xuất. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, Trường ĐH Công nghệ đã đi tiên phong, mở đường cho mô hình hợp tác Trường – Viện và gặt hái được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, để đưa mô hình này phát triển một cách bền vững cần phải chính thức hóa và đưa thành nhiệm vụ chiến lược trong quá trình phát triển của Trường nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung.


GS. Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch Viện đã bày tỏ sự ủng hộ mô hình hợp tác giữa 2 bên và sẵn sàng cùng với Nhà trường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao mô hình hợp tác Trường – Viện đồng thời đề nghị Trường ĐH Công nghệ cần có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để đưa mô hình này hoạt động hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Trường cần chủ động, sáng tạo, hướng tới sản phẩm đầu ra, có tinh thần trách nhiệm cao và năng lực tốt, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể để sử dụng nguồn lực chung và riêng hợp lý, hiệu quả. Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu Trường ĐH Công nghệ cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như chế độ chính sách đối với giảng viên kiêm nhiệm; chế độ giảng dạy, nghiên cứu và đăng các bài báo trên các tạp chí lớn trong và ngoài nước (nhằm tăng chỉ số ISI, SCOPUS); đưa mô hình đào tạo kỹ sư vào quy hoạch; nâng cao chất lượng sản phẩm hợp tác đào tạo và nghiên cứu… Phó Giám đốc mong rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra và ngày càng tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình, Trường Đại học Công nghệ và Viện Cơ học đã ký kết văn bản hợp tác giai đoạn 2014 - 2018.



Tham gia bình luận

Đánh giá





Từ khóa phổ biến