Nhân dịp 15 năm thành lập (2004-2019) và 20 năm ngày truyền thống (1999-2019) của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ngày 17/05/2019 Trường ĐHCN và Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết giai đoạn 2019-2024 về hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu trong phát triển mô hình khoa phối thuộc
Tham gia lễ ký kết về phía ĐHQGHN có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo. Về phía Viện Cơ học có PGS.TS. Đinh Văn Mạnh – Viện trưởng, PGS.TS. Nguyễn Việt Khoa – Phó Viện trưởng, PGS.TS. Lã Đức Việt – Phó Viện trưởng. Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà- Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các Phòng/Ban trong trường. Ngoài ra, lễ ký kết còn có sự tham dự của các cựu cán bộ quản lý đã gắn bó với sự hình thành của mô hình khoa phối thuộc giữa hai đơn vị, cụ thể GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCN, GS. TSKH Nguyễn Đông Anh – nguyên Viện trưởng Viện Cơ học, PGS.TS. Hà Quang Thụy – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN.
Những thành tựu sau 15 năm hợp tác mô hình khoa phối thuộc
Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (CHKT&TĐH) là một đơn vị đào tạo thuộc Trường ĐHCN được xây dựng và hoạt động theo mô hình phối thuộc giữa Trường ĐHCN và Viện Cơ học từ những ngày thành lập. Có thể nói, Khoa CHKT&TĐH là một mô hình mới, điển hình của sự hợp tác Trường đại học – Viện nghiên cứu – Tập đoàn công nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc điểm nổi bật nhất của mô hình này là Tổ chức và quản lý theo hình thức vừa tập trung vừa phân tán cả về con người lẫn cơ sở vật chất.
PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng báo cáo kết quả sau 15 năm hợp tác giữa Trường ĐHCN với Viện Cơ học
PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Chủ nhiệm khoa cho biết từ những khóa tuyển sinh đầu tiên K49 vào năm 2004 và K50 năm 2005 với hơn 30 sinh viên. Đến nay, sau 15 năm quy mô sinh viên của mô hình phối thuộc trường – viện đã tăng lên 250 sinh viên/năm. Tính đến hết tháng 3/2019, khoa đã đào tạo hơn 800 sinh viên của các ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ kỹ thuật; đối với đào tạo sau đại học ngoài đào tạo thạc sỹ Cơ học kỹ thuật, khoa đã phát triển thêm các ngành đào tạo mới như thạc sỹ Cơ điện tử và tiến sỹ Cơ kỹ thuật. Năm học 2018-2019, với sự chỉ đạo của ĐHQGHN và hỗ trợ chuyên gia, Viện và Nhà trường, khoa đã tích cực mở ngành đào tạo mới về Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Về cơ sở vật chất, từ những ngày đầu thành lập và hợp tác khoa đã sử dụng những trang thiết bị của Viện Cơ học.Từ năm 2007-2008, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đã đưa ra ý tưởng xây dựng xưởng liên ngành kết hợp đào tạo lý thuyết đi đôi thực hành với tên gọi Xưởng liên ngành Cơ – Điện tử – Tin học theo hướng công nghiệp. Năm 2017, với việc thành lập Xưởng cơ khí – Tự động hóa sinh viên đã có thêm cơ hội thực hành trực tiếp với các loại máy CNC, máy phay, máy hàn robot bằng tay, … Trong quá trình xây dựng các chương trình đào tạo, một trong những mục tiêu đào tạo của khoa là sinh viên ra trường có đủ khả năng cạnh tranh về nghề nghiệp và trình độ. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có những giá trị gia tăng nhất định ngoài lý thuyết chung, sinh viên còn có kỹ năng về lập trình hệ thống, nhúng, điều khiển trên PC hoặc các phần mềm ứng dụng, … Những kỹ năng này sẽ trở thành thế mạnh và khả năng thích nghi nghề nghiệp cao hơn so với những sinh viên khác. Trong quá trình hợp tác quốc tế, sinh viên của khoa cũng có cơ hội được trao đổi, giao lưu với các trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài như ĐH Bách khoa Paris, ĐH Marseille, ĐH Caen (CH Pháp), ĐH tổng hợp Standford (Mỹ), ĐH Osaka, ĐH Tokyo (Nhật), Tập đoàn LG, Tập đoàn Samsung, Hyundai… Hiện nay, khoa có sự hợp tác với Quỹ Phát triển Hợp tác Quốc tế về Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KICOS) về trao đổi nhân lực với hai chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc tại khoa. Về nghiên cứu khoa học, hai đơn vị đã kết hợp công bố hơn 200 bài báo khoa học.
Những thành tựu này cũng được PGS.TS. Hà Quang Thụy khẳng định một lần nữa sau 15 năm tổ chức mô hình phối thuộc giữa trường và viện. Hiện nay, khoa CHKT&TĐH đã dần lớn mạnh và trở thành khoa đứng thứ hai trong trường về quy mô đào tạo. Thành quả này là sự đóng góp chung của các thầy/cô trực tiếp trong khoa và Viện Cơ học, … Từ những ngày đầu thành lập, Viện Cơ học đã dành nhiều không gian cho sự nghiệp đào tạo sinh viên, trước đây là trang thiết bị cở sở vật chất, lớn hơn nữa là sự hỗ trợ giảng dạy từ phía các cán bộ của Viện Cơ học.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên sau 15 năm hợp tác cùng phát triển. Giáo sư nhận định, nếu không có tầm nhìn tương lai của Hiệu trưởng sáng lập trường ĐHCN GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu và nội hàm trong chính sách của trường, thì khoa CHKT&TĐH rất khó để thành lập. Tiếp đó, mô hình được mở rộng bằng kết quả hợp tác giữa Trường ĐHCN và IMI Holding, Bộ Công thương, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa lãnh đạo các bên liên quan. Ngày nay, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tư duy đào tạo mà sinh viên cần là mô hình liên hệ doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Trong khi đó, khoa CHKT&TĐH lại là một trong những khoa có các ngành đào tạo manh nha trong các yếu tố công nghiệp 4.0. Vì vậy, mô hình phối thuộc của khoa CHKT&TĐH với Viện Cơ học hoàn toàn là mô hình mới, điển hình gắn kết thực tiễn và doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo nên có thêm những môn học liên quan đến khởi nghiệp để giúp sinh viên có nền tảng và thành công trong lĩnh vực được đào tạo.
Phát huy hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn 2019-2024
Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường ĐHCN Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, hợp tác giữa Trường ĐHCN và Viện Cơ học đã khẳng định tính hiệu quả cao của mô hình hợp tác trường – viện trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hai bên để tạo ra những sản phẩm đào tạo đỉnh cao, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
PGS.TS. Đinh Văn Mạnh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên
Viện trưởng Viện Cơ học Đinh Văn Mạnh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị. Viện trưởng cho biết, phát huy những kết quả hợp tác đã đạt được trong thời gian qua, giai đoạn 2019-2024, Viện Cơ học tiếp tục phối hợp với Trường ĐHCN trong việc xây dựng, cải tiến và triển khai các chương trình đào tạo, định hướng hoạt động đào tạo, khoa học – công nghệ và dịch vụ. Đồng thời, Viện Cơ học cử cán bộ khoa học có trình độ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trường ĐHCN tham gia lãnh đạo khoa, bộ môn phối thuộc, cũng như tham gia lãnh đạo các hướng nghiên cứu, tham gia giảng dạy các môn học.
Lễ ký kết đã diễn ra thành công
Theo văn bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019-2024, hai bên sẽ triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ học kỹ thuật, điều khiển tự động. Khoa CHKT&TĐH là khoa phối thuộc giữa Trường ĐHCN và Viện Cơ học thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học do Trường và Viện giao.
GS.TSKH Nguyễn Đông Anh nhận định khoa CHKT&TĐH phát triển thành công như ngày nay với lý do cơ bản nhất là đáp ứng nhu cầu thực tế, không chỉ là khoa học còn gắn công nghệ kỹ thuật. Sinh viên ra trường thể hiện các kỹ năng công nghệ kỹ thuật rõ ràng. Các sản phẩm của sinh viên tốt nghiệp gắn liền với thực tiễn như hệ thống cửa tự động, hệ thống đánh giá chất lượng môi trường hoặc những robot vận chuyển hàng hóa, … Trên cơ sở nâng cao nghiên cứu cơ bản và tiếp tục đẩy mạnh thế mạnh đặc biệt của khoa về các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành. Trong thời gian tới, trường nên tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị đồng bộ để sinh viên có cơ hội được hoàn thiện; cải tạo, hoàn thiện những thiết bị của Viện Cơ học để có thể tiếp tục phục vụ và phát triển cho những sinh viên Cơ kỹ thuật. Đồng thời, về phía Viện Cơ học sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao và phát triển đội ngũ cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng quan điểm với GS.TSKH Nguyễn Đông Anh, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, hai đơn vị cần đưa ra những chính sách để thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Ngoài chương trình chất lượng cao cần mở rộng chương trình hợp tác quốc tế để có những chương trình 2+2 với các trường đại học quốc tế. Nhà trường và Viện cần đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp để phát triển cơ hội việc làm cho sinh viên. Về cơ sở vật chất, Nhà trường cần đầu tư và nâng cao hơn nữa điều kiện về giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên.